Thế giới tuần qua: Đi tìm đồng thuận
Cập nhật ngày: 23/11/2019 19:43 (GMT +7)

Mỹ, Trung Quốc muốn cải thiện căng thẳng thương mại; Hàn Quốc kéo dài Hiệp định GSOMIA với Nhật Bản; Hội nghị “Bộ tứ Normandy” sẽ được tổ chức tại Pháp... là những tin tức quốc tế được bạn đọc quan tâm.

1. Mỹ, Trung Quốc muốn cải thiện căng thẳng thương mại

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc ngày 22-11 cùng nhấn mạnh mong muốn ký kết thỏa thuận thương mại ban đầu và tháo ngòi nổ cho cuộc chiến thuế quan kéo dài 16 tháng qua, vốn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bình luận hiếm hoi về những căng thẳng thương mại với Washington, đã nói rằng Bắc Kinh mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời hoặc “giai đoạn một”, nhưng không sợ trả đũa khi cần thiết. Tuyên bố được ông Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Mới do Tập đoàn Bloomberg LP tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản ngày 29-6-2019. Ảnh: Metrotime.

Sau đó ít giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói rằng, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có khả năng đang ở “rất gần”. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng quả quyết rằng bất kỳ thỏa thuận nào sẽ phải được đánh giá là có lợi cho Mỹ sau rất nhiều năm mất cân bằng thương mại với Trung Quốc.

Sau những phát biểu có phần tích cực trên Mỹ, hai chỉ số chứng khoán cơ bản của Mỹ là S&P 500 và Dow Jones đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch ngày 22-11, đảo ngược những tổn thất vào đầu tuần này sau khi có các thông tin cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể bị đẩy sang năm 2020.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng phát vào mùa xuân năm 2018 khi chính quyền ông Trump bắt đầu tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng chục tỷ USD, nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại quá lớn giữa Mỹ với cường quốc châu Á. Kể từ đó, xung đột liên tục leo thang, hai bên không ngừng "ăn miếng, trả miếng" lẫn nhau, ảnh hưởng đến gần như mọi hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Hồi đầu tháng 11, các quan chức Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán song phương nhằm chấm dứt bế tắc hiện tại. Song, tới lúc này, Washington và Bắc Kinh vẫn chưa chốt được thời điểm ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

2. Hàn Quốc kéo dài Hiệp định GSOMIA có điều kiện với Nhật Bản

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vừa tuyên bố nước này sẽ kéo dài Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) kèm theo một số điều kiện với Nhật Bản, đồng nghĩa với việc văn bản này vẫn sẽ có hiệu lực.

Phó giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSO) Hàn Quốc Kim You-Geun đã xác nhận diễn biến mới kể trên và giải thích lý do là vì hai bên đã giải quyết được một số bất đồng và chính quyền Tokyo bày tỏ động thái sẵn sàng đối thoại.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở Tokyo ngày 25-6-2019. Ảnh: China Daily.

Quyết định trên được phía Hàn Quốc đưa ra vài giờ trước khi Hiệp định GSOMIA hết hạn (0 giờ ngày 23-11). Trước đó, vào tháng 8-2019, Hàn Quốc đã thông báo tới Nhật Bản về việc chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo quân sự sau khi Tokyo áp đặt các hạn chế đối việc xuất khẩu các vật liệu công nghiệp sang Seoul.

Hiện chưa rõ động thái mới nhất có giúp “phá băng” quan hệ song phương đang rất xấu hay không. GSOMIA là hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 2016 nhằm đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. 

Việc Seoul kéo dài thời gian hiệu lực của GSOMIA được xem là động thái bất ngờ vì trước đó cả Tokyo và Seoul vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường cứng rắn của mình xung quanh vấn đề này, bất chấp sức ép từ phía Mỹ.

3. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Brussels, Bỉ vẫn chưa đạt được mục tiêu thúc đẩy cải tổ và tìm tiếng nói chung của liên minh quân sự xuyên đại dương.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh những phản ứng trái chiều vẫn nóng bỏng sau bình luận “gây bão” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi cho rằng liên minh này đang trong tình trạng “tê liệt”.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NATO.

Một loạt vấn đề chiến lược đã được bàn thảo như: chống khủng bố; tương lai của các thỏa thuận và cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu, sau khi cả Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF); đối sách với Nga và Trung Quốc; hợp tác trong không gian mạng... Tuy nhiên, hội nghị lại chỉ diễn ra trong một ngày (20-11), vì thế mục tiêu thu hẹp bất đồng trở nên vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh yêu cầu cải cách khối quân sự trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, cả Pháp và Đức đều đưa ra những đề xuất riêng rẽ. Song, tại hội nghị vừa qua, các kế hoạch của cả hai thành viên đầu tàu châu Âu này đều nhận được những ý kiến trái chiều.

Như vậy,lục đục trong quan hệ giữa các đồng minh lâu năm hai bên bờ Đại Tây Dương, xuất phát từ yêu cầu của Mỹ đòi châu Âu chia sẻ “gánh nặng tài chính” cho đến động thái của Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của đối tác ngoài NATO vẫn sẽ là nhiệm vụ khó khăn của lãnh đạo các nước thành viên trong kỳ họp cấp cao vào đầu tháng 12 tới.

4. Pháp sẽ đăng cái Hội nghị “Bộ tứ Normandy”

Sau hơn 3 năm rơi vào bế tắc, vào ngày 9-12 tới, các nguyên thủ của Nga, Pháp, Đức và Ukraine sẽ tụ họp ở thủ đô Paris, Pháp để tham dự Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Đây sẽ là cơ hội mở lại cánh cửa quan hệ lâu nay bị đóng chặt giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, giữa Moscow và Kiev nói riêng. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 10-2016 tại Berlin, Đức, tình hình ở miền Đông Ukraine cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc.


Các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát quá trình rút quân của các lực lượng Ukraine ở gần làng Bogdanivka thuộc vùng Donetsk ngày 9/11 vừa qua. Ảnh: TTXVN.

Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đã có những bước tiến lớn thời gian gần đây trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, như: Rút quân khỏi một số khu vực căng thẳng, trao đổi tù nhân hay việc Nga trao trả 3 tàu của hải quân Ukraine bị Moscow bắt giữ tại Biển Đen tháng 11-2018 với cáo buộc xâm phạm lãnh hải… Những động thái trên được đánh giá là bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Kiev.           

Do vậy, việc Pháp đăng cai hội nghị vào tháng 12 tới sẽ giúp các bên liên quan tìm ra giải pháp cho miền Đông Ukraine dựa trên thỏa thuận Minsk đạt được hồi năm 2014 và 2015.

Nếu hội nghị thành công, nút thắt trong tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine sẽ được gỡ bỏ, mở ra cơ hội hòa bình cho khu vực này sau nhiều năm xung đột, đồng thời góp phần cải thiện quan hệ giữa Nga và EU. Thế nhưng, việc nắm bắt được cơ hội này hay không còn tùy thuộc vào lập trường và hành động của mỗi nước.

5. Mỹ, Hàn Quốc chưa giải quyết được bất đồng ngân sách quân sự

Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục phản đối sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, mới đây, cuộc đàm phán về chia sẻ “gánh nặng” ngân sách cho phòng thủ chung Mỹ-Hàn thất bại cho thấy sự leo thang căng thẳng về chi phí quân sự chung giữa 2 nước.

Sau thất bại của cuộc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ James DeHart ca ngợi mối quan hệ liên minh tuyệt vời Mỹ - Hàn lâu nay, nhưng đồng thời đưa ra chỉ trích Hàn Quốc không thiện chí khi đưa ra đề xuất mức ngân sách quá ít, không công bằng với Mỹ.


Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Ảnh: WNG

So với năm 2019, mức đóng góp trong năm 2020 mà Mỹ đưa ra nhiều hơn gấp 5 lần (khoảng gần 5 tỷ USD) để đảm bảo chi phí cho lực lượng 28.500 binh lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Cùng với đó là hàng loạt các điều khoản mới về việc đáp ứng chi phí hoạt động của quân đội Mỹ, thậm chí gồm cả chi phí dựng lán trại, vệ sinh, tập trận chung... 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc chỉ chấp nhận đóng góp ở mức “có thể chấp nhận được” và đảm bảo công bằng, hợp lý trên tinh thần củng cố sức mạnh của liên minh và phục vụ mục tiêu phòng thủ chung. Việc đàm phán chưa thể có kết quả, bởi Mỹ đã bỏ ngang.

Mâu thuẫn về ngân sách chung giữa 2 nước từ lâu đã nhen nhóm những nguy cơ chắc chắn dẫn tới sự “đổ vỡ” của mối quan hệ đồng minh này. Trong khi cả 2 bên đều cương quyết bảo vệ quan điểm về hạn mức ngân sách như hiện nay, nếu không có yếu tố mới mang tính đột phá tích cực, thì sự tan vỡ này sẽ rất dễ xảy ra.

6. Các vụ bắn rocket tái diễn ở Dải Gaza bất chấp lệnh ngừng bắn

Truyền thông Palestine đưa tin tối 14-11, hàng loạt rocket xuất phát từ phía Dải Gaza lại bắn sang Israel. Các nhân chứng cho biết rocket được phóng đi ở khu vực phía Bắc của Dải Gaza và sau đó là những tiếng nổ khi rocket này bị đánh chặn. Hiện chưa có tổ chức nào nhận thực hiện vụ tấn công này.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các lực lượng Palestine tại Dải Gaza đã phóng 1 quả rocket vào miền Nam nước này tối 14-11 cho dù trước đó hai bên đã đạt được lệnh ngừng bắn sau 3 ngày xung đột đẫm máu.


Ảnh minh họa. Nguồn: Telegraph.

Theo IDF, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đã đánh chặn quả rocket trên trước khi nó chạm đất. Còi báo động đã vang lên tại khu vực xung quanh Dải Gaza. Ngoài ra, IDF còn cho biết cũng trong sáng 14-11, vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các nhóm vũ trang tại Gaza đã bắn 5 quả rocket vào Israel. Hai trong số những quả rocket này đã bị đánh chặn và không có báo cáo về thương vong hay thiệt hại.

Trước đó, IDF và nhóm Hồi giáo Jihad đã thông báo về việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, qua đó chấm dứt 3 ngày xung đột xuyên biên giới khiến 34 người Palestine thiệt mạng. Bạo lực đã bùng phát sau khi một chỉ huy cấp cao của nhóm Hồi giáo Jihad, Baha Abu al-Atta thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ngày 12-11 nhằm vào nơi ở của nhân vật này tại thành phố Gaza. Để trả đũa, Jihad đã bắn ít nhất 450 quả rocket vào Israel.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục