Nghị lực của nạn nhân chất độc da cam
Cập nhật ngày: 10/08/2018 15:58 (GMT +7)

Trở về sau những năm tháng chiến tranh, người lính Cụ Hồ Vũ Đình Quyền (sinh năm 1954), trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn mặc dù gánh chịu hậu quả do chất độc da cam gây nên nhưng ông vẫn kiên cường vượt qua để chăm sóc gia đình, vươn lên phát triển kinh tế.

 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1972  theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng sinh viên đại học sư phạm Vũ Đình Quyền tạm biệt cây bút, giảng đường, xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Những ngày tháng chiến đấu gian khổ dưới mưa bom, bão đạn ông may mắn sống sót trở về và mang trong mình “vết thương không chảy máu” là chất độc da cam.

Ông Vũ Đình Quyền, cho biết: Sau khi đất nước độc lập,  Nam – Bắc thống nhất, năm 1975, tôi tiếp tục về Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên học tập và làm giảng viên trong 10 năm. Năm 1981, tôi lập gia đình và sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái). Những tưởng cuộc sống êm đềm, thế nhưng con trai tôi càng lớn càng có biểu hiện bất thường về trí tuệ. Do vậy, năm 1993 tôi nghỉ giảng dạy tại Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên về xã Tân Văn, huyện Bình Gia để chăm sóc gia đình, con cái. Cũng từ đây, cuộc sống mưu sinh gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.


Ông Vũ Đình Quyền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM Vũ Hoàng Lê kiểm tra sổ sách, hàng hóa tại công ty.

Năm 1993, ông Quyền chuyển cả gia đình ra thành phố Lạng Sơn, với chút ít vốn liếng tích góp bấy lâu và nhờ sự giúp đỡ của người thân và bạn bè, ông mở cửa hàng bán lẻ xe máy. Những ngày đầu kinh doanh do thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư hạn chế nên việc kinh doanh gần như không có lãi. Nhưng với ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ cộng với sự giúp đỡ của đồng đội, người thân dần dần cửa hàng của ông có chỗ đứng trên thị trường.

Đến năm 2006, ông hợp tác với Công ty TNHH TM Vũ Hoàng Lê kinh doanh chuyên dòng xe máy Honda trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, ông được công ty tín nhiệm giao chức vụ Giám đốc điều hành công ty từ đó đến nay. Trên cương vị là người quản lý, tiếp nhận nhân sự ông luôn ưu tiên lao động là con em gia đình chính sách, thương, bệnh binh và đã trải qua quân ngũ vào làm việc. Hiện nay công ty có 50 nhân viên thì chiếm hơn 10% nhân viên là con em gia đình chính sách. Cùng với đó, hằng năm vào các dịp lễ, tết ông luôn dành những suất quà tặng cho những hoàn cảnh khó khăn, gia đình thương, bệnh binh và nạn nhân da cam trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, ông còn ủng hộ mỗi tháng 50kg gạo cho dự án “Nồi cháo tình thương” do Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai… Theo ông Quyền, xuất phát từ lòng thương người và bản thân cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam nên càng cảm thông, sẻ chia đối với các nạn nhân da cam khó khăn, người nghèo.

Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ông Vũ Đình Quyền là một trong những nạn nhân da cam có nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp nhiều công sức, sự ủng hộ vào các nguồn quỹ, các hoạt động nghĩa tình, từ thiện để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Tấm gương đầy nghị lực của ông Quyền đã và đang thắp sáng, tiếp thêm động lực cho những người không may bị nhiễm chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống.

Theo BaoLangSon
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục