Bản tin Covid-19 ngày 27-4: Thêm 5 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có một trường hợp lây nhiễm tại nơi cách ly
Cập nhật ngày: 27/04/2021 21:30 (GMT +7)

Tối 27-4, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Nguyên, Hà Nội, Khánh Hòa và một ca lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái.


Cụ thể, bệnh nhân 2.853, nữ, 25 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ngày 23-4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay JL751 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Nguyên. Kết quả xét nghiệm ngày 26-4, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Bệnh nhân 2.854, nam, 40 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ngày 23-4, bệnh nhân từ Đức quá cảnh Singapore nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay SQ192 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm ngày 26-4, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Bệnh nhân 2.855, nam, 56 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngày 13-4, bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN5064 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 26-4 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa.

Bệnh nhân 2.856, nữ, 27 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Ngày 24-4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ2723 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 26-4, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Cam Lâm.


Bệnh nhân 2.857, là ca lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái, nam, 63 tuổi, có địa chỉ tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là lễ tân khách sạn, bệnh nhân có tiền sử dịch tễ phục vụ hằng ngày tại khu cách ly có chuyên gia Ấn Độ đang cách ly tại khách sạn (trước đó đã ghi nhận 4 trường hợp chuyên gia Ấn Độ cách ly ngay sau nhập cảnh ngày 18-4, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại khách sạn này). Trường hợp này đã được cách ly tập trung nghiêm ngặt từ ngày đầu tiếp xúc với đoàn chuyên gia tại khách sạn (ngày 18-4). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.857 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 1.571 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 38.266 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 523 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 22.821 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 14.992 người.

Long An tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 27-4, đoàn công tác do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã kiểm tra công tác quản lý, nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine tại Long An.

Đoàn đã đến kiểm tra công tác cách ly, khai báo y tế tại Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp quản lý đoạn biên giới dài 9,5km, trong đó có 4km đường bộ và 5,5km đường sông với 9 mốc giới, thuộc 2 xã Bình Hiệp và Bình Tân (thị xã Kiến Tường). Thời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp luôn quyết tâm, nỗ lực trong công các phòng, chống dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng người dân xuất, nhập cảnh trái phép.



Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra thực tế tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.  


Tại buổi kiểm tra, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận công tác kiểm tra hàng hóa xuất nhập cảnh tại cửa khẩu được thực hiện tương đối tốt và tỉnh Long An cơ bản đã triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, Long An tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch liên ngành tại cửa khẩu; phân công nhiệm vụ cụ thể và có quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Long An tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế tối đa các ca bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Long An cần kiểm soát chặt chẽ hơn những trường hợp nhập cảnh trái phép. Đối với người dân về Việt Nam không có giấy tờ, cần tuyên truyền, vận động bà con yên tâm ở lại và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại nước sở tại. Trường hợp đặc biệt cần về nước, người dân cần nghiêm túc khai báo với cơ quan chức năng để được tiếp nhận, cách ly và được hỗ trợ y tế kịp thời.

Tỉnh Tiền Giang không được chủ quan, lơ là với dịch Covid-19

Ngày 27-4, đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại tỉnh Tiền Giang.


Đoàn công tác kiểm tra trang thiết bị phòng hộ tại khu cách ly tại Tiền Giang.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn đã phát hiện 6 ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp đều là những công dân nước ngoài về cách ly y tế tập trung tại địa phương, đã được điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến. Nhận định công dân Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đến làm việc tại địa bàn là một trong những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn, ngay từ đầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Tiền Giang đã chỉ đạo các ban ngành liên quan phối hợp để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cách ly y tế đối với các chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự chẩn bị kỹ lưỡng từ chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở cách ly tập trung tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung của quân đội, cơ sở thu dung điều trị, cơ sở tổ chức tiêm chủng đã được triển khai cơ bản tốt. Trong những ngày tới, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và sắp đến ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, địa phương cần phải đảm bảo các biện pháp để không xuất hiện dịch bệnh.

Theo đó, cần tiếp tục quản lý nhập cảnh đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Cần thực hiện giảm tập trung nơi đông người, đề nghị người dân nghiêm túc thực hiện “5K”, đặc biệt là tuân thủ nghiêm đeo khẩu trang, khử khuẩn. Với sự vào cuộc của toàn dân “mỗi người dân là một chiến sĩ” sẽ xây dựng được hàng rào phòng, chống dịch”.

Bộ Y tế điều chuyển gấp 15.000 liều vaccine phòng Covid-19 cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký Quyết định số 1999/QĐ-BYT về việc điều chuyển 20.000 liều vaccine trong tổng số 43.700 liều vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương khác gồm Lào Cai và 8 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.

Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện điều chuyển vaccine từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đến Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc và miền Nam để cung ứng cho các địa phương, đơn vị theo danh sách. Các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức triển khai tiêm chủng theo quy định.

Đến thời điểm này, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã và đang tiến hành tiêm chủng vaccine cả đợt 1 và đợt 2. Công tác tiêm chủng được triển khai theo đúng quy định, đảm bảo an toàn. 

Việt Nam đã tiêm cho gần 260.000 người, trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine Covid-19 gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.

Sau tiêm, các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm… Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vaccine nói chung và vaccine phòng Covid-19 nói riêng. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II, III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.

Đặc biệt, do khâu tổ chức tiêm chủng của chúng ta hết sức bài bản với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người đi tiêm, nên quy trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả các nước phát triển, đó là tổ chức thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo, và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm…

Các bệnh viện thì luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Thiết lập lá chắn điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Tiên

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Campuchia, tỉnh Kiên Giang đã có phương án chủ động ứng phó với tình huống xấu, nhất là khi tình trạng nhập cảnh trái phép còn phức tạp và sắp đến kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.


Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát hiện trường và trình bày đề án thiết lập Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên.
 

Bác sĩ Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi có chủ trương của Bộ Y tế về việc thiết lập bệnh viện dã chiến tại vùng biên giới thành phố Hà Tiên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đang tăng cường cho tỉnh để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 đã chọn địa điểm, lên phương án thực hiện.

Theo đó, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể dục Thể thao phường Mỹ Đức (thành phố Hà Tiên) đang tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến. Trong giai đoạn đầu, khu vực này có thể thu dung khoảng 300 bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ. Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở hiện có của Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, với sự hỗ trợ của các bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thiết lập thêm 11 buồng bệnh để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng cần thở máy, lọc máu, ép mô và tình trạng nguy kịch có thể triển khai tại đây. Tầng thứ hai của Trung tâm Y tế có thể điều trị cho 39 bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ trung bình. Tiếp đến là sử dụng Khoa Nhiễm của Trung tâm đang điều trị cho 20 bệnh nhân để tiếp tục điều trị tại trung tâm.

Tỉnh Kiên Giang cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản như rà soát nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... để sẵn sàng điều động, điều tiết từ các cơ sở y tế cho bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động. Ngoài ra, Kiên Giang đã xây dựng phương án sử dụng toàn bộ Trung tâm Y tế TP Hà Tiên để điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cần thiết.

Việt Nam giải trình tự gen các ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Ấn Độ

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ với sự xuất hiện của biến thể virus B.1.167 đột biến kép gây bùng phát dịch rất mạnh, theo GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện đang tiến hành giải trình tự gen một số ca bệnh Covid-19 nhập cảnh về từ Ấn Độ. Dự kiến trong vài ngày nữa sẽ có kết quả.

Gần đây, Việt Nam đã ghi nhận một số ca bệnh Covid-19 là chuyên gia nhập cảnh từ Ấn Độ. Các trường hợp này đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly điều trị.

Về biến chủng kép của virus đang lưu hành tại Ấn Độ, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, để biết được các ca bệnh Covid-19 nhập cảnh có nhiễm biến thể đột biến kép từ Ấn Độ hay không, cần phải giải trình tự gen để xác định. Việc tiến hành giải trình tự gen của những người nhập cảnh vào Việt Nam giúp có cơ sở đánh giá để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Theo đó, biến chủng kép này có tốc độ lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, nếu không để lọt mầm bệnh ra cộng đồng sẽ không đáng lo ngại. Muốn vậy, các biện pháp siết chặt hơn nữa công tác quản lý người nhập cảnh và an toàn tại khu cách ly là rất quan trọng.

QĐND
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục