Tự hào truyền thống, viết tiếp chiến công Đoàn Lam Sơn
Cập nhật ngày: 22/04/2024 06:24 (GMT +7)

Thượng tá ĐÀM TIẾN DŨNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 346

Ra đời trong bối cảnh tình hình biên giới phía Bắc của Tổ quốc có những diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đặt ra những yêu cầu mới. Trải qua 46 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 346 luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết, tự lực, kiên cường, quyết thắng”, góp phần xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của LLVT Quân khu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu kiểm tra công tác huấn luyện tại Trung đoàn 567. Ảnh: TRẦN TUYÊN

Ngày 22-4-1978, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 29/QĐ-TM thành lập Sư đoàn bộ binh 346 có nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ Tổ quốc. Từ đó ngày 22-4 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Sư đoàn. Ngày đầu thành lập Sư đoàn có Trung đoàn 246, Trung đoàn 677, Tiểu đoàn Công binh 15, Tiểu đoàn Thông tin 16, Tiểu đoàn 17 làm nhiệm vụ huấn luyện, Đại đội Vận tải 19, Đại đội Vệ binh 22, Đại đội Trinh sát 23 và các phòng chuyên môn Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật. Trung đoàn 246, tiền thân là Đại đội 15 - Phi Hổ, được thành lập ngày 30-6-1948 với nhiệm vụ vẻ vang, vinh quang là bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng chỉ huy và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 1948 - 1954 tại Chiến khu Việt Bắc. Đặc biệt sau khi bảo vệ thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951) tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, Trung đoàn 246 được Bác Hồ đặt tên là “Đoàn Tân Trào”. Trung đoàn cũng vinh dự được chọn là nơi thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội ta.

Trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 246 đã đánh trên 1.000 trận công đồn, kìm chân, chia cắt, căng kéo, chốt chặn địch tại khu vực Trung du Bắc Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân (1953-1954) và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hòa bình lập lại, Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiễu phỉ (2 lần) ở Tây Bắc, có nhiều công lao trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, tăng cường cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1968-1970, Trung đoàn đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh tiêu diệt 968 giặc Mỹ, 21 máy bay và hàng trăm xe tăng, xe cơ giới, góp phần giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, mở đầu cho những thắng lợi của ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đặc biệt, Trung đoàn 246 vinh dự là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1985, với nhiều thành tích xuất sắc, Trung đoàn 246 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Trung đoàn bộ binh 677, thành lập ngày 30-6-1977 tại phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn. Là đơn vị chuyên thi công các công trình giao thông của Bộ CHQS tỉnh Bắc Thái (nay tách thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên) chuyển sang đơn vị chủ lực huấn luyện, SSCĐ.

Tháng 5-1978, Trung đoàn bộ binh 851 được thành tại Bản Chang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng, với nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Tiền thân của Trung đoàn 851 là Đoàn 231 làm nhiệm vụ điều dưỡng thương bệnh binh của Quân khu, đóng quân ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).

Đầu tháng 8-1978, Trung đoàn Pháo Binh 188 được điều về đội hình chiến đấu của Sư đoàn. Trung đoàn 188 được thành lập ngày 1-8-1978 tại huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cán bộ của Trung đoàn là những đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu, nhiều thành tích, được huấn luyện, rèn luyện ở một số đơn vị chủ lực, chính quy nên việc xây dựng Trung đoàn 188 khá thuận lợi.

Như vậy, sau 5 tháng thành lập, Sư đoàn 346 mới đủ biên chế 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh cùng các tiểu đoàn, đại đội trực thuộc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Quân khu giao.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu về điều chỉnh vị trí đóng quân, cuối năm 1978, Sư đoàn 346 cơ động từ Hà Tuyên về Cao Bằng với nhiệm vụ cùng với LLVT địa phương xác định các KVPT sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược. Đầu tháng 2-1979, các đơn vị trong Sư đoàn đã xây dựng được 50% khối lượng công trình trận địa. Đồng thời chuyển trạng thái SSCĐ lên cao với tư tưởng bám trụ kiên cường, quyết tâm đánh thắng. Mười năm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới (từ 1979 đến 1988), Sư đoàn 346 được giao nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng thủ trên địa bàn 3 huyện Thông Nông, Hà Quảng và Trà Lĩnh. Vào quý 3-1979, cơ bản Sư đoàn đã xây dựng xong, được cấp trên đánh giá cao, Sư đoàn đã tổ chức hàng trăm trận chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, đẩy lùi nhiều đợt tiến công và khiêu khích vũ trang của đối phương. Trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với quân dân tỉnh Cao Bằng và các đơn vị bạn lần lượt đánh bại tất cả các hình thức chiến tranh phá hoại, góp phần làm tan rã âm mưu thâm độc của đối phương, từng bước ổn định tình hình an ninh, chính trị biên giới, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Chấp hành mệnh lệnh của trên, đầu năm 1988 Sư đoàn bàn giao Trung đoàn bộ binh 851 cùng Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 677 cho Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng, Tiểu đoàn Xe tăng 1005 về Trung đoàn Xe tăng 410 thuộc Quân khu. Sư đoàn tiếp nhận Trung đoàn Đặc công 114 trực thuộc Quân đoàn 26, đồng thời rút về đóng quân trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 1989, thực hiện quyết định của trên, Sư đoàn giải thể Trung đoàn Đặc công 114, Trung đoàn Pháo binh 188 và Đại đội hỏa tiễn BM-13. Đồng thời, tiếp nhận Trung đoàn bộ binh 567, Trung đoàn pháo binh 481 (năm 1991 giải thể) và Tiểu đoàn Xe tăng 1023 (năm 1992 giải thể) từ Sư đoàn 322.

Trung đoàn 567 là đơn vị có nhiều thành tích trong chiến đấu và xây dựng, được thành lập ngày 15-1-1975 tại Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), thuộc Sư đoàn 325b Quân khu Tả Ngạn, sau khi thành lập Trung đoàn làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh bổ sung cho chiến trường miền Nam. Do lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tháng 8-1985 Trung đoàn 567 vinh dự được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.


Huấn luyện bắn súng của chiến sĩ mới Trung đoàn 246.

Từ năm 1989 đến nay, tổ chức biên chế của Sư đoàn tương đối ổn định, thực hiện theo mẫu biểu biên chế 2089 gồm 3 cơ quan (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật), 3 trung đoàn 246, 567, 677. Trong những năm qua, Sư đoàn luôn duy trì nghiêm chế độ SSCĐ, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế nhiệm vụ, phù hợp với địa bàn hoạt động, Sư đoàn đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập như diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 2 cấp trên bản đồ và thực địa, diễn tập thực binh có bắn đạn thật từ cấp tiểu đội đến cấp trung đoàn có hiệp đồng quân binh chủng của Quân khu, hành quân xa mang vác nặng với quãng đường đi và về trên 400km mỗi lượt, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và VKTB.

Tự hào là nơi ra đời Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội, trong những năm qua, Sư đoàn luôn là điểm sáng trong công tác giáo dục rèn luyện chiến sĩ trẻ để các đơn vị về tham quan, học tập. Sư đoàn luôn được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Quân khu tin tưởng giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Huấn luyện thí điểm khung B dự bị động viên, hoạt động trọng điểm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, dạ hội thanh niên, phát động thi đua làm trước rút kinh nghiệm cho toàn quân, đăng cai tập huấn nhiều nội dung của Quân khu… là điểm đến tham quan, học tập của nhiều cơ quan, đơn vị.

Sư đoàn còn thực hiện chức năng đội quân công tác, các cơ quan, đơn vị luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội. Bên cạnh đó, Sư đoàn luôn quản lý chặt chẽ VKTBKT, bảo đảm tốt cho thực hiện các nhiệm vụ, thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Sư đoàn thường xuyên chăm lo, xây dựng, củng cố quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân phòng, chống khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo với phong trào “Đoàn Lam Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần xây dựng địa phương vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, tô thắm truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Phấn khởi và tự hào với truyền thống hào hùng, vinh quang, vẻ vang của Sư đoàn trong suốt chiều dài lịch sử 46 năm qua, cán bộ, chiến sĩ hôm nay vững vàng một niềm tin son sắt, đoàn kết trên dưới một lòng vì sự phát triển lớn mạnh, trưởng thành của Sư đoàn. Chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết, tự lực, kiên cường, quyết thắng”.

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục