KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12-1972/12-2022) Hai lần bắn rơi B-52 bằng pháo cao xạ
Cập nhật ngày: 12/12/2022 14:29 (GMT +7)

Cách đây 50 năm, trong Chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc (tiền thân của Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2 ngày nay) đã bắn rơi 2 máy bay B-52 trên bầu trời Thái Nguyên bằng pháo cao xạ 100mm. Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, là người trực tiếp chỉ huy đơn vị bắn rơi B-52.

50 năm đã qua đi, người thanh niên Nguyễn Công Tuấn rắn rỏi năm nào, nay là cụ ông 83 tuổi mắt đã mờ và đôi chân thường xuyên đau nhức do di chứng của vết thương trong một trận đánh máy bay B-52. Nhưng ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là người thương binh ấy vẫn luôn lạc quan. Ông nói: “Với những người lính như chúng tôi, được sống đến hôm nay đã là một may mắn!”. 


Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn (bên phải) cùng đồng đội ôn lại trận đánh B-52 cuối năm 1972.

Ngược dòng thời gian, tháng 6-1972, Chuẩn úy Nguyễn Công Tuấn đang công tác ở Đại đội 3, Trung đoàn 225, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) thì được cấp trên điều động về làm Trợ lý tác huấn của Ban Tham mưu, Trung đoàn 256. Tháng 9-1972, đơn vị được cấp trên tăng cường 18 khẩu pháo 100mm và bổ sung 200 tân binh, đa số là người dân tộc ít người đến từ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn). Ông Tuấn kể: “Khi đó tôi được điều động phụ trách Đại đội trưởng của Đại đội 5. Thời gian huấn luyện pháo thủ rất gấp, nên phải lựa chọn tân binh có nhận thức nhanh để huấn luyện “cấp tốc”. Hồi ấy, đa số thanh niên đã vào Nam chiến đấu, nên có chiến sĩ học đến lớp 7 là quý rồi. Chúng tôi huấn luyện pháo thủ theo cách đánh trực tiếp, tức là ngắm bắn thủ công chứ không đánh bằng khí tài (không sử dụng radar và khí tài chỉ huy), lại không cơ động mà đánh tại chỗ”. 

Sau khi nghiên cứu cách đánh B-52, chỉ huy Trung đoàn rút ra kinh nghiệm: Một là, B-52 thường tìm điểm chuẩn để bay thẳng vào mục tiêu rải bom, cho nên đường bay, tọa độ rất ổn định, không thay đổi. Do đó, nếu đánh vào Thái Nguyên, thì điểm chuẩn được xác định là 1 quả núi cao giáp Hồ Ba Bể, lấy đó làm hướng chính. Hai là, trần bay của B-52 là 15km, độ cao ném bom hiệu quả trong khoảng từ 9 đến 11km, trong khi pháo 100mm có tầm xa 21km và tầm cao 14km, cho nên để tăng xác suất bắn trúng, cần cắt điểm nổ cố định theo nhiều cự ly khác nhau. 

Sáng 19-12-1972, Trung đoàn 256 tổ chức dồn dịch đội hình theo hướng “chân kiềng”, trong đó Đại đội 5 đóng quân tại xã Quang Vinh, TP Thái Nguyên. Trên trận địa pháo, cán bộ, chỉ huy đơn vị ngày đêm tăng cường huấn luyện bộ đội đánh B-52, trong đó chú trọng luyện tập đánh vào ban đêm. Đến đêm 24-12, trời rét đậm, sương mù dày đặc, Mỹ liên tục cho máy bay đánh phá các mục tiêu ở Thái Nguyên. Các kíp chiến đấu trên các trận địa ngồi trực trên mâm pháo, đạn đã lên nòng, sẵn sàng chiến đấu. 

“Ngay khi nhận được lệnh cấp trên, chúng tôi bắt đầu nã pháo, mỗi khẩu bắn 3 viên, với cách bắn: Loạt 1 điểm nổ theo 3 cự ly: 14km-12km-10km và loạt 2 điểm nổ ngược lại: 10km-12km-14km, cứ thế chúng tôi bắn đồng loạt, liên tục, bắn nhanh, bắn cấp tập, giăng thành lưới lửa trên không. Bắn xong cũng không biết là máy bay rơi, hôm sau chúng tôi mới được cấp trên thông báo, đơn vị đã tiêu diệt máy bay B-52 rơi ở biên giới Việt-Lào. Đây cũng chính là chiếc B-52 đầu tiên của Mỹ bị pháo cao xạ 100mm của ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc”. Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn nhớ lại.

“Nhưng đối với tôi trận đánh đêm 26-12-1972 mới là đêm căng thẳng nhất. Sau khi bắn xong loạt thứ nhất, B-52 ném bom ngay sát trận địa của đơn vị, lửa bùng lên, khói mù mịt, đất văng tung tóe. Hầm của tôi bị sập, nên tôi bị thương nhẹ song vẫn chỉ huy bộ đội tiếp tục chiến đấu. Hôm đó, khí tài bị hỏng khá nhiều, trong đó có cái chảo của radar dùng bắt tín hiệu của máy bay, đường dây điện thoại đứt; máy thông tin vô tuyến 2W cũng không liên lạc được. Khi đó, cấp trên nhận định Đại đội 5 của tôi bị “xóa xổ”. Ở trận địa lúc này, đơn vị không nhận được lệnh của chỉ huy trung đoàn, nên lúc đó tôi phải độc lập chỉ huy. Tôi quan sát điểm nổ trên không của Đại đội 3 và Đại đội 9 đều hướng về đường bay số 1. Tôi quyết định hạ lệnh cho đơn vị bắn dựng màn đạn theo phương pháp đã huấn luyện vào đội hình của địch. Kết quả trong đợt nổ súng ấy, Đại đội 5 được công nhận bắn rơi thêm một chiếc B-52”.

Ngay sau trận đánh trên, Chuẩn úy Nguyễn Công Tuấn được cấp trên thăng quân hàm lên thiếu úy, đồng thời bổ nhiệm giữ chức đại đội trưởng và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trung đoàn 256 và Đại đội 5 được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Ba, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng. Với chiến công xuất sắc bắn rơi 2 máy bay B-52 bằng pháo 100mm, đã góp phần vào thành tích chung để sau này, Lữ đoàn Phòng không 297 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.  

Bài và ảnh: Hương Dịu
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục