Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Sức trẻ tình nguyện nơi gian khó
Cập nhật ngày: 23/11/2020 01:07 (GMT +7)

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng (KTQP) giai đoạn 2010-2020”(gọi tắt là Dự án 174), đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực. Tại các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng luôn có bóng dáng của các TTTTN Đoàn KT-QP 338 và 799, với kiến thức, sự năng động và nhiệt huyết trong công tác, đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, cách nghĩ, cách làm của nhân dân trong vùng dự án.

Thực hiện Dự án 174 về tăng cường TTTTN đến các khu KT-QP giai đoạn 2010-2020, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo 2 Đoàn KT-QP 338 và 799 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tuyển chọn, tập huấn cho đội ngũ TTTTN, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò xung kích, tham gia thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ KTQP. Qua 10 năm triển khai thực hiện Dự án 174, Quân khu đã tuyển dụng 5 đợt, thu hút 215 lượt đội viên, số trí thức trẻ được tuyển dụng có trình độ, năng lực, cơ cấu ngành, nghề phù hợp, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Một trong những kết quả nổi bật của lực lượng TTTTN trong 10 năm qua là đã tích cực tham gia phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương kiện toàn tổ chức, đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú; tham gia bảo vệ, phát triển rừng, trong đó, trồng mới và chăm sóc được gần 7.000 ha; gieo ươm được hơn 245 vạn cây thông giống; trồng trên 7.000 cây phân tán; cùng cán bộ các đội sản xuất theo dõi, giám sát thi công 16 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài gần 80km, 28 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sinh hoạt; giúp các hộ gia đình nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc bảo vệ giống vật nuôi chất lượng cao; cùng với quân y đơn vị tham gia khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt người; tuyên truyền chống truyền đạo trái pháp luật, nâng cao hiểu biết về chủ quyền biên giới… góp phần hình thành nhiều mô hình thôn, bản kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững ở các địa phương.


Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 799 giúp nhân nhân xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng làm đường giao thông.  Ảnh: TH

Chị Lữ Phương Trinh, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đã viết đơn đăng ký, nộp hồ sơ và trúng tuyển về công tác tại Đoàn KT-QP 799 đợt 5, giai đoạn 2018-2020 của Dự án 174. Từ đó, chị tiếp tục gắn bó với địa bàn biên giới trong khu KT-QP 799 gồm các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng (Cao Bằng), nơi mà chị sinh ra và lớn lên, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn vô cùng khó khăn. Chị Trinh nhớ lại chuyến đi dân vận tại bản Nà Ngàm A, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, chỉ có vài cây số mà đoàn công tác mất cả ngày để di chuyển đến điểm giúp dân, vừa đi vừa sửa và phát quang hai bên đường với những cung đường dốc đá. Đêm đầu tiên ngủ tại nhà dân, những cơn gió rét mùa đông rít liên hồi, mùi phân gia súc dưới gầm nhà sàn bốc lên nồng nặc, khiến các thành viên trong đoàn không thể ngủ được. Ngày hôm sau, chị Trinh đã dùng tiếng dân tộc của mình cùng đoàn công tác vận động và giúp người dân làm chuồng trại cách xa nhà ở, di chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn để hợp vệ sinh và phòng chống các dịch bệnh.

 “Những ngày đi tuyên truyền, vận động, hay những buổi chiếu phim, giao lưu văn nghệ và cả những cái tết cùng đồng bào sẽ là những kỷ niệm đẹp. Địa bàn chúng tôi đến dù còn thiếu thốn đủ bề, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục khó khăn, khi thì trong vai trò là thầy, cô giáo dạy con chữ, những y sĩ thôn, bản, tuyên truyền viên, có lúc lại là những cán bộ, những chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Ngắm nhìn sự đổi thay trên quê hương, cuộc sống của đồng bào vơi bớt nhọc nhằn, trẻ em được cắp sách đến trường, chúng tôi thấy ấm lòng và mong muốn các cấp tạo điều kiện, để TTTTN tiếp tục góp sức cùng đồng bào, xây dựng cuộc sống ấm no trên dải đất biên cương”, chị Trinh bộc bạch. 

 Đại tá Hoàng Trung Kiên, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 338 cho biết: “Nhận thấy khả năng, sức trẻ của đội ngũ TTTTN nên từ Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để TTTTN học tập, rèn luyện, phát huy kiến thức, tinh thần xung kích, sáng tạo của mình vào xây dựng đơn vị và giúp nhân dân trên địa bàn. Qua 5 đợt tuyển dụng TTTTN theo Dự án 174, Đoàn đã tiếp nhận 114 lượt đội viên, ưu tiên những TTTTN được đào tạo chuyên ngành mà đơn vị và địa phương đang cần. Sau khi tiếp nhận, đơn vị bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp nên phần lớn sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đều xung phong ở lại gắn bó lâu dài với đơn vị và địa bàn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn thực hiện dự án”.

Theo ông Vi Văn Thức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Gia, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Tam Gia là xã biên giới gồm 10 thôn, bản, có 457 hộ với 2.086 nhân khẩu, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ, mấy năm về trước, bản làng nơi đây còn hoang vu, đường sá đi lại khó khăn, người dân phần lớn không biết chữ, nhận thức, suy nghĩ còn lạc hậu, nên cuộc sống quanh năm túng thiếu. Từ khi có cán bộ, chiến sĩ Nông lâm trường 461 và các TTTTN Đoàn KTQP 338 đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, tuyên truyền, vận động, cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, hỗ trợ sản xuất, giúp xây dựng các công trình nông thôn, mở đường, xây trường, kéo điện… hiện nay, nhà nào cũng đủ lúa, ngô để ăn, có gà, lợn, trâu, bò trong chuồng, trẻ em được học cái chữ, vì thế mà ai nấy đều rất phấn khởi, yên tâm gắn bó xây dựng thôn bản. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã biết ơn Đảng, Nhà nước, quân đội và TTTTN Đoàn KTQP 338 rất nhiều.

Điều ông Vi Văn Thức phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, cũng là một thực tế đáng mừng về cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở khu KT-QP trên địa bàn Quân khu hiện nay. Nơi đây, có những công trình điện, đường, trường, trạm đã hoàn thành, những thửa ruộng nặng trĩu mùa vàng, cánh rừng thông xanh ngắt, những bản làng tái định cư luôn rộn rã tiếng cười về cuộc sống đổi thay đều mang dấu ấn của TTTTN.

Đồng chí Lê Hải Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ghi nhận: “Dự án 174 là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, thông qua Dự án đã bổ sung kịp thời nguồn cán bộ có trí thức, nhiệt huyết, chuyên môn ngành nghề còn thiếu đối với các Đoàn KT-QP. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo các địa phương trong Khu KT-QP phối hợp chặt chẽ với Đoàn KT-QP 799 triển khai Dự án. Từ năm 2010 đến nay đã tuyển chọn được 114 lượt TTTTN, để hỗ trợ chính quyền và nhân dân vùng dự án thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng những địa bàn khó khăn trước đây thành vùng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Mong muốn Bộ Quốc phòng và Chính phủ tiếp tục duy trì Dự án 174 giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút, ưu tiên tuyển dụng lâu dài TTTTN sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Hơn 10 năm có mặt tại vùng biên giới, các TTTTN vẫn ngày đêm miệt mài, mang tâm huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ để giúp đỡ đồng bào các dân tộc vùng biên vươn lên thoát nghèo. Góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong vùng dự án, và tăng cường sự gắn kết giữa địa phương với các Đoàn KT-QP, được cấp ủy, chính quyền địa phương và  bà con nhân dân yêu mến, tin tưởng.

GIANG NAM
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục