Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Trưởng thôn Sinh "đầu tàu" gương mẫu
Cập nhật ngày: 16/10/2020 09:46 (GMT +7)

Ông Ngô Văn Sinh, người dân tộc Mông, Trưởng thôn Lũng Miệng, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn được bà con dân bản tin tưởng, quý mến bởi ông không chỉ là điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, mà còn phát huy tốt vai trò “đầu tàu” gương mẫu của người cán bộ thôn bản, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.


Trưởng thôn Ngô Văn Sinh cùng các chiến sĩ dân quân thôn Lũng Miệng tìm hiểu Luật Nghĩa vụ quân sự.

Lũng Miệng là thôn "xa nhất" của xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Toàn thôn có 34 hộ với 150 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông. Giống như bao hộ khác trong thôn, những năm trước đây gia đình ông Sinh thuộc diện khó khăn, quanh năm chỉ trồng cây sắn, cây ngô trên đồi, chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống gia đình luôn thiếu thốn. Nhưng là người dám nghĩ, dám làm, ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Ông luôn trăn trở phải làm sao để xứng đáng với sự tin tưởng đó.

Thế rồi được cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, ông mạnh dạn đi đầu làm trước. Nhận thấy việc chăn thả gia súc ngoài tự nhiên nhiều rủi ro mà hiệu quả kinh tế không cao, trên diện tích đồi rừng của gia đình, ông đầu tư trồng cỏ voi và chuyển hẳn sang nuôi nhốt gia súc tập trung trong chuồng trại. Với cách làm này, ông chủ động cho gia súc ăn cỏ, uống nước và tiêm phòng bệnh, dịch theo định kỳ nên đàn gia súc sinh trưởng, phát triển ổn định, số lượng ngày một tăng cao. Trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 8 đến 12 con bò, mỗi năm cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng. Trong ao nhà, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, cây chuối kết hợp cám ngô, ông đầu tư nuôi các loại cá trắm, chép và rô phi đơn tính, mỗi năm cho thu hoạch gần 15 triệu đồng, cũng nhờ đó kinh tế gia đình ông đi lên trông thấy. Từ thành công này ông phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật cho bà con trong thôn. Từ chỗ một vài hộ gia đình làm theo, đến nay cả thôn đều học tập ông làm kinh tế, tổng cộng cả thôn có hơn 150 con trâu, bò, trung bình mỗi nhà có ít nhất 5-7 con, nhiều hộ gia đình chăn nuôi đại gia súc không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên có cuộc sống khá giả. Bằng cách làm của trưởng thôn Ngô Văn Sinh và sự nỗ lực quyết tâm của bà con dân bản, hiện nay thôn Lũng Miệng đã vươn lên nhóm đầu của xã Thuần Mang trong mọi phong trào. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thôn Lũng Miệng nhiều năm liền được huyện công nhận là thôn văn hóa.

Ngoài việc hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Sinh còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động người dân đóng góp ngày công, vật liệu, kinh phí, hiến đất làm đường giao thông, qua đó huy động có hiệu quả nguồn lực trong nhân dân… Năm 2019, 2020 ông đã vận động bà con trong thôn hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường, trong đó gia đình ông hiến gần 450m2. Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới còn nguyên mùi xi vữa, ông Sinh chia sẻ: “Bản thân hiến đất trước rồi bà con cũng làm theo mình. Giờ đây thôn đã có đường bê tông đi lại thuận tiện, cuộc sống ngày một tốt lên, ai cũng vui mừng vì không còn phải cuốc bộ như trước nữa”. Rất tâm đắc với lợi ích từ việc chung tay xây dựng nông thôn mới, anh Phùng Văn Trình, thôn Lũng Miệng không giấu nổi niềm vui, cho biết: “Bà con chúng tôi biết ơn trưởng thôn Sinh nhiều lắm, nhờ có trưởng thôn mà đời sống của bà con giờ đã khá lên, nhà nào cũng có xe máy, điện thoại di động, trẻ con đi học không còn lo đường trơn, trượt ngã mỗi khi trời mưa nữa”.

Bên cạnh việc vận động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Sinh còn tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân Tự vệ và các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, vì vậy hằng năm, thôn Lũng Miệng luôn đứng đầu xã về chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Lực lượng dân quân trong thôn được biên chế, sắp xếp đúng quy định và tham gia huấn luyện đầy đủ, sẵn sàng xung kích, đi đầu trong giải quyết các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất xảy ra. 

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Sinh tích cực vận động, giải thích cho bà con trong thôn và các thôn lân cận trong xã không tin và đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Năm 2018, bằng cách kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, ông đã vận động được 1 hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Cốc Ỏ từ bỏ không đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Đặc biệt, trong 2 năm 2017-2018, ông đã 3 lần cùng tổ an ninh tự quản vận động nhân dân các thôn Cốc Ỏ, Thôm Án tự tháo dỡ “nhà đòn” mà không cần nhờ đến các lực lượng chức năng khác, sau tháo dỡ đến nay không có hộ nào tái dựng lại.

Với vai trò “đầu tàu” gương mẫu, Trưởng thôn Ngô Văn Sinh thực sự là nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhờ uy tín của Trưởng thôn Sinh mà các hộ dân trong thôn tin tưởng, thực hiện tốt những gì ông tuyên truyền, vận động. Nhờ có ông Sinh, nhiều năm trở lại đây, tình hình an ninh trật tự ở thôn Lũng Miệng luôn ổn định, không bị kẻ xấu xúi giục, kích động chống phá, không có tệ nạn xã hội, tỷ lệ thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh từ cơ sở. Nhiều năm liên tục, gia đình ông được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, bản thân ông được các cấp ghi nhận, tặng nhiều giấy khen, bằng khen, là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: NAM TRANG
Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục